Đề tài số 9: “Hãy sưu tầm hoặc xây dựng một tình huống về một tranh chấp dân sự có người đại diện của đương sự tham gia tố tụng? Qua đó phân tích làm rõ:
1.Quy định về người đại diện trong BLTTDS năm 2015 có gì thay đổi với BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011? Hãy phân tích.
2.Xác định người đại diện trong tình huống và tư cách tham gia tố tụng các chủ thể trong tình huống trên?”
NHÓM 2
1. Khái niệm người đại diện của đương sự
Là người tham gia tố tụng thay mặt thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ do được pháp luật quy định, được Tòa án chỉ định hoặc được ủy quyền tham gia tố tụng.
Là người đương nhiên được thay mặt đương sự tham gia tố tụng do được pháp luật quy định dựa trên tiêu chí họ là người đại diện của đương sự trong quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án giải quyết.
Là người thay mặt đương sự tham gia tố tụng do được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền tham gia tố tụng.
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011;
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật hôn nhân gia đình 2014;
- Bộ luật lao động 2012.
Thứ nhất, tại điều 73 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 chỉ quy định “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền”. Tuy nhiên để phù hợp với BLDS năm 2015 và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, điều 85 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung: Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Thứ hai, BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm quy định về tổ chức đại diện tập thể người lao động tại khoản 3 điều 85 bộ luật TTDS 2015
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
Thứ ba, đối với việc ly hôn, nói chung đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định tại điều 51 : Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì họ là người đại diện. Theo đó, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định này tại điều 85.
Thứ tư, tại điều 76 BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định việc chỉ định người đại diện trong khi tiến hành tố tụng dân sự trong trường hợp đương sự bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, tại điều 88 BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm 1 số trường hợp của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Đối với các vụ việc lao động thì BLTTDS quy định tại khoản 2 điều 88: “Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó”. Đây là điểm mới được BLTTDS bổ sung để phù hợp với BLDS nói chung và quy định về người đại diện theo BLTTDS nói riêng.
Anh Trần Văn A và chị Nguyễn Thị B kết hôn năm 2005 trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, có đăng kí kết hôn và sinh sống tại phường T quận Y thành phố Hà Nội. Sau một thời gian chung sống, anh A thường xuyên đánh đập và cưỡng bức về tinh thần nên dẫn đến chị B bị bệnh tâm thần và sức khỏe cũng giảm sút rất nhiều và đã bị mất năng lực hành vi dân sự. Tháng 12/2016, theo yêu cầu của bố chị B, Tòa án tuyên bố chị B bị mất năng lực hành vi dân sự. Bố mẹ chị B thường xuyên chứng kiến cảnh anh A đánh chị B mà không can ngăn được. Nên tháng 4/2017, mẹ chị B khởi kiện ra tòa án yêu cầu xin ly hôn cho chị B và giải quyết tranh chấp tài sản chung và con chung là cháu C(3 tuổi) của vợ chồng anh A chị B. Về tài sản chung, vợ chồng anh A và chị B có một mảnh đất diện tích 100 m2 tại quận N thành phố Hà Nội và vợ chồng anh chị có vay của chị D 100 triệu đồng. Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của mẹ chị B và thụ lý vụ án trên. Tháng 7/2017, phiên tòa diễn ra có mặt của các đương sự, những người có quyền nghĩa vụ liên quan và những người tham gia tố tụng khác.
1. Nhận xét về người đại diện của chị B trong tình huống trên theo BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011?
2. Xác định người đại diện trong tình huống và tư cách tham gia tố tụng các chủ thể theo BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2015?
Theo quy định tại Điều 139 BLDS 2005 quy định: “Đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.”
Theo quy định tại Điều 73 BLTTDS 2004:
“1. Người đại diện gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.
3. Người đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.”
Trong tình huống này tháng 12/2016 theo yêu cầu của bố chị B, tòa án tuyên bố chị B mất năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, mẹ chị B khởi kiện ra tòa á n yêu cầu xin ly hôn cho chị B và giải quyết tranh chấp tài sản chung và con chung.
Người đại diện trong trường hợp này cho chị B là thuộc quy định tại Khoản 2 điều 141 BLDS 2005. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự (Khoản 3 điều 62 BLDS 2005) : “Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ”. Chị B đã kết hôn với anh A nên người giám hộ đương nhiên là anh A nhưng anh A lại không đủ điều kiện làm người đại diện cho chị B do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ với chị B (khoản 1 điều 70 BLDS 2005). Do đó, bố mẹ chị B sẽ là người đại diện cho chị B trong các quan hệ dân sự (Khoản 3 điều 62 BLDS 2005).
Sau khi tòa án tuyên chị B mất năng lực hành vi dân sự thì trong trường hợp này người đại diện theo pháp luật được quy định tại điều 141 BLDS 2005.
Xét theo khoản 3 điều 73 BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011, trong trường hợp này bố, mẹ của chị B không có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin ly hôn cho chị B.
Vậy chị B không có người đại diện khi xin ly hôn.
Điều này thể hiện sự bất cập của Bộ luật TTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011: trong trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác không thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Nhiều trường hợp muốn xin ly hôn cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật này chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.
Chị Nguyễn Thị B là: nguyên đơn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 BLTTDS 2015: “nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”. Cụ thể: tháng 4/2017, mẹ chị B khởi kiện ra tòa án yêu cầu xin ly hôn cho chị B và giải quyết tranh chấp tài sản chung và con chung là cháu C của vợ chồng anh A chị B.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 BLTTDS 2015 thì Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 BLTTDS 2015: “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Cụ thể: vợ chồng anh A và chị B có vay của chị D 100 triệu đồng. Chị D là chủ nợ của hai vợ chồng và chị có quyền đòi nợ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015: “người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền”.
Khoản 2 Điều 85 BLTTDS 2015 quy định: “người đại diện trong BLTTDS là người đại diện trong BLDS, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định của khoản 1 Điều 53 BLDS 2015 thì: “Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”.
Do đó, anh A là người giám hộ đương nhiên của chị B. Tuy nhiên, vì anh A thường xuyên đánh đập và cưỡng bức về tinh thần nên dẫn đến chị B nên phải thay đổi người giám hộ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 BLDS 2015: “Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ”
Vậy nên, bố mẹ chị B là người giám hộ đương nhiên và cũng là người đại diện theo pháp luật của chị B.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 BLDS 2015 là: "Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên". Đồng thời, khoản 3 Điều 53 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ”
Trường hợp này không có người đại diện theo uỷ quyền vì theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 thì: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.
Theo đó, khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
Theo nội dung tình huống: chị B là người bị mất năng lực hành vi dân sự do sự bạo hành thể chất và cưỡng bức tinh thần của anh A. Nên theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014, bố mẹ chị B hoàn toàn có yêu cầu khởi kiện ly hôn và đồng thời bố mẹ chị B cũng là người đại diện cho chị B.
Thứ nhất, bất cập trong quy định pháp luật về việc tham gia tố tụng thông qua người đại diện theo pháp luật của đương sự trong việc dân sự trong trường hợp hủy quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, quyết định tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai, giữa BLTTDS 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về sự tham gia tố tụng của doanh nghiệp tư nhân có mâu thuẫn và còn nhiều nội dung không minh bạch.